Tặng quà là một phần không thể thiếu trong văn hóa kinh doanh của người Nhật Bản. Đây không phải là thói quen, hay đúng hơn là một nghi thức. Nhìn chung, người Nhật rất thích tặng quà. vì nó là cách thể hiện tình cảm trân trọng cho nhau, một nghi thức không thể thiếu để gắn kết các mối quan hệ làm ăn cũng như gắn kết các mối quan hệ xã hội. Hãy cùng SAGIFT.VN cùng tìm hiểu về cách tặng quà của người Nhật nhé.
Người Nhật hay tặng quà vào dịp gì?
Trong văn hóa Nhật Bản, tặng quà đã trở thành một phong tục rất quan trọng, do vậy mà Nhật Bản còn được biết đến với tên gọi “Thiên đường tặng lễ vật cho nhau”. Hai mùa quan trọng mà người thường tặng là Chugen và Seibo để thể hiện lòng biết ơn và gửi gắm tình cảm đến những người đã giúp đỡ và ủng hộ họ trong thời gian dài. Chugen là mùa quà giữa năm vào cuối tháng 6, và Seibo là mùa quà cuối năm vào cuối tháng 12.
Nghệ thuật tặng quà của người Nhật
Họ có thể là những cặp đôi gửi quà cho người mai mối hay những người phục vụ trong lễ cưới của họ hoặc nhân viên gửi quà bày tỏ sự kính trọng với những giám sát công việc, một số khác có thể gửi quà cho gia đình bác sĩ hoặc cha mẹ tặng quà đến những người thầy, người cô đã hết lòng dạy dỗ con cái mình. Việc tặng quà không chỉ dành riêng cho các cá nhân, mà còn là dịp để công ty, doanh nghiệp gửi quà đến khách hàng, đối tác, khách hàng thân thiết của mình …
Người Nhật tặng quà cho nhau không chỉ vào những dịp đặc biệt như lễ tết, ngày cưới, sinh nhật v.v.. mà ngay cả trong ngày thường nhật. Họ có thể tặng quà cho chủ nhà để tỏ lòng biết ơn hoặc tặng quà để thể hiện tình cảm với người mà đã mời họ dùng bữa v.v.. Ngoài ra, người Nhật có thể tặng quà cho nhau nhân dịp: nhập học, tốt nghiệp, nhận việc, nghỉ hưu, cuối năm, cưới hỏi, sinh nhật, khám bệnh, dọn dẹp nhà cửa v.v..
Giá trị của quà tặng trong văn hóa người Nhật
Bên cạnh giá trị là đồ vật dùng để tặng, quà tặng của người Nhật còn mang tính biểu tượng cao, chẳng hạn như: xôi đậu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành; hay người Nhật cũng rất thích tự tặng cho mình những đôi đũa, bởi trong quan niệm của họ, đôi đũa luôn có một đôi, và với cách dùng đũa là “gắp”, người Nhật hình dung với ý nghĩa rằng với đôi đũa của họ sẽ “gắp” lấy những điều may mắn trong cuộc sống: một sự nghiệp tốt, một người yêu tốt, một công việc tốt v.v..
Quà tặng trong văn hóa Nhật Bản, ngoài nội dung và ý nghĩa của món quà người Nhật đặc biệt chú trọng đến cách đóng gói và trang trí món quà. Đối với người Nhật, việc đóng gói cũng rất quan trọng vì nó thể hiện sự khéo léo và trân trọng, tình cảm thậm chí là thể hiện tính cách của người tặng và người cho đi.
Chính vì muốn cho đi một món quà thực sự ý nghĩa mà người Nhật trang trí rất công phu và có giá trị biểu tượng rất cao. Gói quà sau khi được đóng gói cẩn thận sẽ được buộc bởi một nút thắt gọi là Mizuhiki. Tiếp đó là một mảnh giấy được gấp hình dáng giống con mực là Noshi.
Nút thắt Mizuhiki (trái) và Noshi.(phải)
Bên trong, quà được đóng gói rất cầu kỳ và công phu, bên trong ba lớp, bên ngoài ba lớp và cuối cùng buộc một sợi dây lụa, dây giấy rất đẹp. Người Nhật quan niệm rằng, nút thắt hình sợi dây tượng trưng cho tình cảm gửi gắm từ người tặng dành cho người nhận.
Màu sắc của sợi dây thắt cũng mang ý nghĩa riêng, chẳng hạn họ sẽ buộc những sợi dây giấy trắng đỏ theo hình chiếc kéo để tượng trưng cho may mắn sắp đến, nhưng những lúc có chuyện buồn họ thường buộc những sợi dây giấy trắng đen để tượng trưng cho nỗi buồn và cầu mong những xui xẻo sẽ không đến với họ nữa.
Lời kết
Qua cách tặng quà của người Nhật chúng ta có thể nhận ra quà tặng là một nét đẹp trong văn hóa thể hiện phép đối nhân xử thế giữa các cá nhân với nhau. Món quà tặng không chỉ là vật trao đổi tầm thường mà được xem là một sợi dây liên kết trong cộng đồng và các mối quan hệ xã hội, giúp người tặng và cả người nhận có thể biểu lộ được tâm tư, gửi gắm sự trân trọng và tình cảm trong sáng.